Dạy thằng em dại
Anh vốn léo phải là người tử tế, anh vốn sinh ra vào thời buổi nhiễu nhương, thân làm nghề bán thịt lợn, thế nên léo thích lạm bàn chuyện nghệ thuật to tát. Anh chụp ảnh cũng như bán thịt lợn, lấy tâm là chính, nói 1 cân là 1 cân, léo bao giờ bán thịt chó lại bảo thịt lợn.
Đáng nhẽ anh léo mất công viết làm gì nhỡ cả buổi chợ của anh, nhưng vì thằng em dại của anh, trót đánh đu với khỉ ở cái Xóm này, thói hay không học lại học trò khỉ nhố nhăng, sợ hỏng mất thằng em nên anh đành phải viết.
Thằng em anh, số hẩm hiu, sinh sau đẻ muộn nên biết đến cái xóm này vào thời mạt vận, léo có mấy người tử tế cho nó học. Anh thì may mắn hơn nó, chứ thực tình cũng léo biết gì mấy, chả qua bốc phét gặp thời.
Chuyện rằng ngày xưa ở nước Tầu, cách mạng Tân Hơi nổ ra, đã cách là cách triệt để, mọi tàn dư hủ lậu phong kiến lôi ra đập phá, đốt sạch cho bẳng hết. Nhất là đám họa sĩ chuyên trị vẽ tranh Hoa - Lá - Gái - Chim, nhẹ thì bị xé tranh bẻ bút, nặng thì chém ngang thân. Cũng may là chuyện này nó xảy ra ở bên Tầu, ngày xưa, chứ ngày nay mà nó xảy ra ở Xóm thì có lê máy chém như Ngô Đình Diệm hồi thi hành luật 10/59 thì chém có ba năm cũng hết.
Ấy thế mà cũng có ngoại lệ, thời kỳ đấy, chỉ duy nhất có một người, danh họa Tề Bạch Thạch, chuyên trị vẽ Chim - Hoa - Lá - Gái là vẫn còn được trân trọng. Tề Bạch Thạch vẽ tôm, xây cả bể nuôi tôm trong nhà, nghiền ngẫm quan sát hàng tháng trời để quan sát hoạt động của tôm, để mô tả chuẩn xác từng dáng bơi, từng cái râu tôm, để vẽ ra những bức tranh mà người xem phải ngưỡng mộ. Nói thế để biết, cho dù thế nào những tài năng thực sự, và những tác phẩm thật sự vẫn được trân trọng. Lỗi đếch phải ở Hoa hay Gái, lỗi là ở thằng vẽ, hay thằng chụp...
Ngày xưa, để vẽ được Hoa hay Gái còn mất công khổ luyện cả đời, ngày nay thì chỉ mất chưa đến 1 giây là chụp được Hoa giống Hoa, Gái giống Gái. Hoa với Gái nó đẹp sẵn, máy thì nhanh và tiện, lens L, nào là chụp như vắt sổ, tự động lấy nét nhanh như thỏ, đo sáng ti tỉ chế độ, thế mà chụp như Lờ thì là lỗi ở thằng chụp chứ lỗi ở léo đâu.
Nói đến đây, thể nào cũng có đứa bỉ bai anh là léo biết chụp Gái, bi bô nói chuyện chụp Gái làm gì? Anh không biết chụp gái thực, nhưng là anh có tí chút tự trọng và lương tâm, biết anh chụp gái như Lờ nên anh léo chụp.
Để vẽ được một bức tranh, có khi phải học mất hàng năm, để hát một bài hát có khi phải học mất vài tháng, chứ để chụp được một cái ảnh rõ mặt ăn tiền, mất có mấy trăm đô. Thế nên có chuyện hài hước như sau: Có một thằng đi xin Thánh, con muốn làm nghệ sĩ nhưng lười mà lại dốt, hát không hay đi cày không giỏi, Thánh chỉ cho con cách nào làm nghệ sĩ nhanh nhất. Thánh bảo, bỏ tiền ra mua cái DSLR rồi lên Xóm mà làm nghệ sĩ.
Anh biết thể nào mày cũng bật anh, nhưng mà em léo muốn làm nghệ sĩ, em chỉ muốn chụp Hoa - chụp Gái cho nó vui, Gái nó vui là em sướng liên quan léo đến chuyện anh nói. Đúng là gà cãi nước sôi. Nếu mà mày biết thế thì anh đã léo phải mất buổi chợ dạy mày. Nếu mày chỉ chụp cho vui, thì anh đã léo mất công chửi. Đằng này hết khôn dồn đến dại, mày lại đua nhau đòi được vote, đòi lên ảnh hay, đỏi lên nick đỏ, đòi lên cổng.
Lỗi này không phải tại mày cả, anh chửi mày là hơi quá đáng. Nói cho đúng, quần chúng là số không, còn đám đông thì ngu dốt. Mày hay những đứa như mày chỉ là con rối do một số người ác ý dựng lên. Chỉ cần xây dựng một hệ thống ảo màu sắc, là cả đám rối miệt mài cày ngày, cày đêm chỉ vì một cái giá trị rất là ảo. Chưa được thì cay, được thì vênh vênh váo váo như sắp thành nghệ sĩ lớn đến nơi.
Nhiếp ảnh léo phải là nghệ thuật, hoặc nếu có thì cũng rất ít người đạt được đến mức gọi là nghệ sĩ. Ở Việt Nam, nếu gọi là nghệ sĩ thì theo anh mày chỉ có vài người, trong đó có cụ Võ An Ninh, mong cụ sớm siêu thoát. Ác cái, cụ chụp chim - hoa -lá - gái - phong cảnh đẹp quá. Thế nên giờ này khi cụ về nơi cực lạc rồi, bao nhiêu đứa vẫn hăm hở bắt chước cụ, mong chụp giống cụ. Thời các cụ, có một dòng tranh gọi là tranh Bờ Hồ, kỹ thuật tranh rất khéo, cảnh rất sến, nông dân mua về treo lên tường rất thích. Ấy thế mà giờ này, nhiếp ảnh gia vẫn đua nhau chụp tranh Bờ Hồ rồi gọi là nghệ thuật nhiếp ảnh. Cụ Võ, từ thời cụ, đã có tầm nhìn vượt thời đại để chụp hiện thực với bộ ảnh chụp năm Ất Dậu nổi tiếng, cái đấy mới là thứ khiến tên tuổi cụ còn mãi với thời gian.
Chuyện thì còn dài lắm, nhwung thịt lợn anh mày sắp thiu nên đành gác bút, anh mong mày và tin mày còn biết chụp bằng đầu để thay đổi trước khi chụp như bò. Anh xin lỗi loài bò, vì bò là loài ăn cỏ móng guốc nên móng to không cầm được máy, bò mà cầm được máy anh tin ối đứa phải đỏ hết cả mông vì ngượng vì léo chụp được như bò.
Đọc mà nghe nó đau đến tận óc.