Giới thiệu tóm tắt:
Hồ Inle trải dài 23km thuộc tỉnh Heho, Myanmar (Miến Điện). Nơi đây thật sự là thiên đường dành cho dân chụp ảnh, cũng vì lý do đó mà chúng tôi dành hẳn 3 ngày trong chuyến du lịch của mình để đến đây.
Chụp gì:
Khác với cách chèo thuyền của ta, người dân Inle chèo thuyền bằng chân, rất lạ mắt. Và đây cũng là điều mà ai đã đến Inle cũng muốn chụp vài tấm hình để kỷ niệm sự độc đáo này như một minh chứng cho việc đã tới đất nước này.
Ăn gì:
Ăn ngon, rẻ và dễ chịu.
Cách đi:
Bay tới Heho từ Yangon mất 1 tiếng bay bằng ATR72, tuyến bay nội địa, sân bay Heho đơn giản tới mức không ngờ và cần phải nói thêm là bay nội địa ở Myanmar rất giống đi xe bus. Nghĩa là ai tới bến nào thì xuống, ai đi tiếp thì ngồi yên để chờ khách lên đi cùng. Hành khách bay cũng chả cần số ghế, tuy nhiên phục vụ trên máy bay lại rất tốt, niềm nở và chăm sóc đồ ăn thức uống cho hành khách suốt cả chuyến bay chứ không như ta.
Góp ý với bạn là nên mua bảo hiểm ở mức cao nhất cho chuyến đi, như thế nó sẽ làm bạn dễ chịu phần nào khi là hành khách của những chuyến bay này
Mô tả:
Ăn sáng tại khách sạn ngon (5 sao mà), cả bọn lên taxi ra sân bay nội địa. Lại nói về taxi ở Myanmar, xe cũ kỹ từ đời ơ kìa, luật giao thông chạy bên phải như ở VN nhưng cấu trúc xe hầu hết dành cho xe chạy theo luật bên trái, những lần đầu tiên ngồi trên xe thấy ngộp thở sau cũng quen dần vì đường phố Yangon không có xe máy như ở VN. Giá taxi cũng lạ, cùng tuyến đường từ sân bay tới khách sạn chúng tôi ở nhưng cả 4 lần giá khác nhau, lần sau rẻ hơn lần trước, không biết có phải vì mặt mình khôn lên chút nào không nữa?
Việc làm thủ tục check-in ở sân bay khá đơn giản, không khám xét kỹ càng như ở hầu hết các nước khác, điện thoại di động cũng không cần phải bỏ ra. Có nhiều hãng máy bay nội địa, nhưng chúng tôi được bạn bè chọn giùm Bagan Air. Nói chung cũng như nhau, nhưng
nếu mua vé máy bay nội địa qua mạng thì tuyệt đối không nên vì rất đắt, đắt gấp hơn 2 lần mua tại sân bay.
Để tới được khách sạn bên hồ, các du khách phải lên chiếc xuồng máy, chạy tốc độ rất cao, được trang bị áo phao, ô che… rất đầy đủ. Con đường từ bến Nankan Canal tới khách sạn đi hết khoảng 1h, trong suốt 1h đó, chúng tôi say mê nhìn và bấm máy, những người ngư dân đánh cá bằng đủ các phương tiện, từ lưới, câu đến son (một công cụ nhìn như chiếc nơm ở VN)…
Trên mặt hồ rộng lớn, người dân kết thành các bè cỏ, phủ rêu lên để trồng cà chua, nhìn từ xa, không ai có thể phân biệt được đâu là đất liền, đâu là các bè cà chua, thấy bảo, con cái đi lấy chồng, cha mẹ cắt cho vài bè, đẩy tới đâu thì đẩy rồi neo lại mà làm ăn.
Cư dân Inle sống cùng nhau trong những ngôi làng nổi được làm bằng tre, gỗ, lợp tôn, nổi trên mặt hồ. Những ngôi làng này cũng được quy hoạch khá vuông vức, và hợp lý, thuận tiện cho việc đi lại chủ yếu bằng những con thuyền dài gần chục mét
Một trong những sản phẩm nổi tiếng ở đây, ngoài cá, cà chua thì đó là thuốc lá, nhìn những bàn tay thoăn thoắt cuốn thứ thuốc lá xanh ngăt, đều tăm tắp, ai cũng muốn hút thử và mua một ít về cho bạn bè và người thân.
Các sản phẩm thủ công như vòng đá, kim loại quý, lụa tơ sen… đều được niềm nở giới thiệu tại các cửa hàng nổi, du khách có thể mua hoặc không, nhưng người bán luôn tươi cười và không hề co kéo, làm phiền…